TẠO HỨNG THÚ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC YÊU THÍCH MÔN TIN HỌC
Như chúng ta đã biết, ngày nay với sự phát triển nhảy vọt của khoa học công nghệ nói chung, của ngành Tin học nói riêng thì môn Tin học đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Chính vì xác định được tầm quan trọng đó nên Ngành giáo dục đã đưa môn Tin học vào trong nhà trường và ngay từ bậc Tiểu học, học sinh được tiếp xúc với môn Tin học để làm quen dần với lĩnh vực CNTT, tạo nền móng cơ sở ban đầu để học những phần nâng cao trong các cấp tiếp theo. Môn Tin học ở bậc Tiểu học bước đầu giúp học sinh làm quen với một số kiến thức ban đầu về CNTT như: Một số bộ phận của máy tính, một số thuật ngữ thường dùng, rèn luyện một số kỹ năng sử dụng máy tính, ...Hình thành cho học sinh một số phẩm chất và năng lực cần thiết cho học sinh như: Góp phần hình thành và phát triển tư duy thuật giải. Bước đầu hình thành năng lực tổ chức và xử lý thông tin. Có ý thức thói quen sử dụng máy tính trong hoạt động học tập, lao động xã hội hiện đại. Có thái độ đúng khi sử dụng máy tính. Bước đầu hiểu khả năng ứng dụng CNTT trong học tập. Có ý thức tìm hiểu CNTT trong các hoạt động xã hội.
Môn tin học là môn học mới trong chương trình Tiểu học. Mục tiêu của môn Tin học là nhằm hình thành và phát triển ở học sinh những kiến thức kỹ năng cơ bản về máy tính, là tiền đề để các em tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trong dạy học, việc truyền thụ được kiến thức giúp cho người học lĩnh hội được kiến thức một cách linh hoạt, sáng tạo, học sinh có thể trao đổi thông tin với giáo viên thì người giáo viên cũng phải tìm tòi, khám phá ra mọi kỹ năng nhằm giúp cho việc dạy học đạt kết quả cao. Vì vậy trong quá trình thực tế giảng dạy tôi đã giúp các em có một buổi học thật là lý thú và bổ ích.
Trường tiểu học Phúc Thành - nơi tôi công tác, đã tạo điều kiện để học sinh có thể học Tin học từ khối lớp 3, 4, 5. Trường đã mua sắm máy móc và trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học môn Tin học đầy đủ (có phòng máy riêng với 18 máy tính). Vì là môn học trực quan, sinh động, môn học khám phá những lĩnh vực mới nên học sinh rất hứng thú học, nhất là những tiết thực hành. Đầu năm học, học sinh lớp 3 nhiều em chưa được nhìn thấy máy tính, chưa biết máy tính hoạt động như thế nào, và làm thế nào để thao tác được với máy tính nên tôi đã tăng cường động cơ học tập, làm nảy sinh những hứng thú mới. Kích thích sự nghiên cứu, suy nghĩ, tư duy, và cách giải quyết vấn đề nhanh gọn. Mặt khác tôi luôn tạo không khí thỏa mái để bài học diễn ra sôi nổi hào hứng hơn. Trong quá trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tôi thấy khâu quan trọng là nắm được khả năng nhận biết của học sinh. Bởi vậy, tôi căn cứ vào thực tế để có những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với phương pháp cũng như đối tượng học sinh. Tôi ra các câu hỏi kiểm tra kiến thức cho học sinh luôn phải rõ ràng, thực tế, phù hợp với môn học và với trình độ của học sinh nhưng yêu cầu phải rộng, phải đa dạng để phát huy tính sáng tạo và am hiểu của học sinh. Ở mỗi tiết học tôi tạo cho học sinh sự hứng thú trong học tập bộ môn từ đó sẽ giúp cho học sinh có ý thức vươn lên. Trong mỗi tiết dạy tôi liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để học sinh thấy được ứng dụng CNTT và tầm quan trọng của môn Tin học trong thực tiễn và tương lai sau này. Phương châm của tôi phải tạo cho không khí lớp học thoải mái nhẹ nhàng, phải làm cho học sinh thương yêu, tôn trọng mình. Vì vậy không bao giờ tôi dùng biện pháp mạnh khi học sinh không chép bài vì làm như thế học sinh sẽ không thu hoạch được gì. Tôi động viên đúng mức đối với học sinh chưa hoặc không làm bài tập, cho dù các em làm dù sai, trên cơ sở đó tôi chỉ ra chỗ sai, chỗ thiếu cho từng học sinh. Bên cạnh đó khen ngợi, khích lệ kịp thời đối với từng học sinh, tôi làm cho học sinh có lòng tin vào bản thân mình.
Tôi luôn tỉ mỉ vì đối tượng tôi dạy là học sinh Tiểu học. Khi tôi giới thiệu bộ phận con chuột, tôi phải mô tả con chuột, có mấy loại chuột, trên thân chuột có những phím nào, chức năng của phím đó, tay đặt lên con chuột đó như thế nào. Học sinh quan sát con chuột rồi quan sát thao tác khi sử dụng chuột trong quá trình học tập. Biết kết hợp giữa giờ lý thuyết và thực hành sao cho phù hợp. Tôi không xem nhẹ giờ dạy lý thuyết vì học lý thuyết tốt thì mới thực hành tốt được cũng như khi học sinh thực hành tốt thì sẽ hiểu sâu hơn về lý thuyết.
Với tâm huyết về môn học của mình tôi mong rằng sẽ thổi vào hồn các em tình yêu môn Tin học và góp phần nhỏ bé vào việc phát triển cồng nghệ thông tin trong thời đại hiện nay.
Người viết bài
Trần Thị Thu Thuỷ