PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KIM THÀNH
TRƯỜNG TIỂU HỌC PHÚC THÀNH
Video hướng dẫn Đăng nhập

    BA KIỂU CÂU KỂ Ở LỚP 4 VÀ DẠY CÁC BÀI VỀ CÂU KỂ Ở LỚP 4

Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chia câu theo mục đích nói thành các kiểu câu là câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến. Vì là chia theo mục đích nói nên mỗi câu được dùng vào một mục đích khác nhau; khi viết, mỗi câu được kết thúc bằng một dấu câu khác nhau; khi phát ngôn, mỗi câu lại có giọng đọc và cách nói khác nhau; … Tuy nhiên, các câu đó đều có điểm chung là thông báo một nội dung trọn vẹn. Trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học, các kiểu câu đó được gọi cho phù hợp là câu kể, câu hỏi, câu khiến và câu cảm. Cả bốn kiểu câu này đều được dạy trong chương trình Tiếng Việt 4. Riêng câu kể và các tiểu loại của nó đã được học sinh làm quen và nhận diện từ lớp 2. Các kiểu câu còn lại thì đến lớp 4 học sinh mới được biết đến. Thực tế cho thấy, với cả giáo viên và học sinh, việc xác định là câu kể, câu hỏi, câu khiến hay câu cảm thì quá dễ (dựa vào ý nghĩa câu và dựa vào dấu câu). Thế nhưng, việc xác định ý nghĩa riêng biệt và các tiểu loại của từng kiểu câu là việc khó. Chẳng han như các bài tập xác định câu hỏi được dùng vào mục đích gì ?  Câu cảm thể hiện cảm xúc gì ?  Câu khiến đã cho là câu khiến thể hiện phép lịch sự hay không thể hiện được phép lịch sự ? … Và có lẽ khó hơn cả, phức tạp hơn cả, gây tranh cãi nhiều hơn cả là vấn đề xác định các tiểu loại và thành phần câu kể. Đó là các bài tập yêu cầu xác định câu đã cho thuộc mẫu câu Ai là gì ?, Ai làm gì ? hay Ai Thế nào ? Xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu đó.

Trong phân môn Luyện từ và câu lớp 4, các kiểu câu theo mục đích nói được dành một thời lượng đáng kể, tổng cộng là 20 tiết. Trong đó, các bài về câu kể và các thành phần của nó chiếm 12 tiết. Việc đó phần nào nói lên vị trí, vai trò của kiến thức về câu kể trong kiến thức về câu của tiếng Việt lớp 4. Khi giải các bài tập về câu kể và các thành phần của câu kể ở lớp 4, học sinh rất ít khi sai về việc xác định mẫu câu Ai là gì ?, Ai làm gì ? hay Ai thế nào ? mà các em chỉ sai nhiều trong việc xác định thành phần câu (xác định chủ ngữ, vị ngữ). Điều đáng nói ở chỗ việc xác đinh ba kiểu câu nói trên chỉ sai và hay tranh luận ở giáo viên. Hình như cái cách tư duy đơn giản ở học trò giúp các em xác định câu kể thuộc mẫu câu nào rất chính xác. Các em cho rằng cứ có từ “là” là câu Ai là gì ?, cứ nói về hoạt động (có công việc hoặc có động tác cụ thể) là câu Ai làm gì ? Với giáo viên thì việc xác định ba mẫu câu nói trên phức tạp hơn nhiều. Các cô thường nhớ lại định nghĩa và một số đặc điểm, đối chiếu vào rồi suy đoán … Vậy mà độ chính xác không cao. Thế nên có nhiều bài kiểm tra, học sinh cứ làm đúng mà giáo viên vẫn đang tranh cãi xem đáp án nào đúng. Hoặc có khi, đề kiểm tra có đáp án sai, khi thấy số đông học trò trả lời đúng, bấy giờ các cô mới xem lại - gọi điện thoại hỏi chỗ này chỗ kia – xin ý kiến chuyên gia - thảo luận hội đồng, hồi lâu sau mới quyết định sửa đáp án cho đúng.

Xuất phát từ những điều đã trình bày ở trên, từ lâu, tôi dành thời gian tương đối dài nghiên cứu về câu kể tiếng Việt và ba kiểu câu kể Ai là gì ?, Ai làm gì ?, Ai thế nào ? trong chương trình Tiếng Việt ở Tiểu học. Tôi hi vọng một lúc nào đó sẽ viết một đề tài nghiên cứu về ba kiểu câu này và cách dạy các bài đó trong Tiếng Việt 4 Tiểu học. Nay thấy đã có thể trình bày kết quả nghiên cứu, tôi xin phép được trao đổi cùng các thầy các cô.

Về việc phân chia câu kể (câu trần thuật) thành ba kiểu câu Ai là gì ?, Ai làm gì ?, Ai thế nào ? , tôi chưa gặp tài liệu nào đề cập đến. Có lẽ chỉ có sách giáo khoa Tiếng Việt  Tiểu học là chia như vậy. Việc chia câu kể thành 3 kiểu câu đó có lẽ xuất phát theo quan điểm của sách giáo khoa Tiểu học là học để thực hành, học để mà viết cho hay và sử dụng tiếng Việt cho giỏi.

Trong cuốn Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt, GS Nguyễn Kim Thản viết “Câu kể có mục đích thông báo cho người nghe, người đọc biết ý nghĩ của người nói, người viết, phản ánh một sự việc gì đó. VD: Em đi học.” Còn trong cuốn "Tiếng Việt hiện đại” , tác giả Nguyễn Hữu Quỳnh chia câu đơn hai thành phần thành câu luận và câu tả. Nói về câu trần thuật tiếng Việt, rất nhiều tác giả chia theo hướng câu luận và câu tả. Mỗi tác giả có một cách trình bày và gọi tên khác nhau nhưng tựu chung lại, ta có thể coi câu trần thuật gồm câu luận và câu tả. Ta thấy rằng, ba kiểu câu Ai là gì ? Ai làm gì ? Ai thế nào ? ở sách giáo khoa lớp 4 Tiểu học cũng đều được cụ thể hoá từ câu luận và câu tả của tiếng Việt. Qua tìm hiểu nội dung này, tôi xin được làm rõ trong phần trình bày sau đây.

A. Câu luận – Câu Ai là gì ?

I. Câu luận:

1. Định nghĩa: Câu luận là câu giới thiệu chủ thể hoặc nói về giá trị của chủ thể.

Như vậy, về mục đích nói, câu luận có hai tiểu loại là giới thiệu chủ thể hoặc nêu giá trị của chủ thể. VD;

- Chị ấy là người người Nam Bộ.

- Thuỷ triều là một hiện tượng thiên nhiên hung vĩ. (Nguyễn Xiển)

2. Cấu tạo:

2.1. Câu luận có kết cấu danh từ - là - danh từ (số từ):

Đó là kiểu câu có kết cấu chủ ngữ - vị ngữ tương ứng với danh từ - danh từ. Trong đó, chủ ngữ nối với vị ngữ bằng từ : VD:

- Con sông Bàu Đưng là một nhánh nhỏ của sông Trường. (Nguyễn Trung Thành)

- Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. (Hồ Chủ Tịch)

2.2. Câu luận có kết cấu động từ (tính từ) – là – danh từ:

Đó là kiểu câu có kết cấu chủ ngữ - vị ngữ tương ứng với động từ (tính từ) – danh từ. Trong đó, chủ ngữ nối với vị ngữ bằng từ “là”. VD:

        Đi hơi cồng kềnh là anh hoạ sĩ

        Đi có chào hỏi là chị văn công. (Phạm Tiến Duật)

2.3. Câu luận có kết cấu động từ (tính từ) – là - động từ (tính từ)

Đó là kiểu câu có kết cấu chủ ngữ - vị ngữ tương ứng với động từ (tính từ) - động từ (tính từ hoặc số từ). Trong đó, chủ ngữ nối với vị ngữ bằng từ “là”. VD:

- Thi đua là yêu nước. (Hồ Chí Minh)

- Chia rẽ là yếu hèn. ( Hồ Chí Minh)

II. Câu Ai là gì ?

1. Định nghĩa: Câu kể Ai là gì ? được dùng để giới thiệu hoặc nêu nhận định về một người, một vật nào đó. (SGK TV4 tập 2 trang 57)

Như vậy, có thể thấy câu Ai là gì ? chính là câu luận nêu trên. Câu nêu nhận định về sự vật chính là kiểu câu nêu giá trị của chủ thể ở câu luận. VD:

Bạn ấy là một hoạ sĩ nhỏ đấy.

2. Cấu tạo:

- Câu Ai là gì gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ trả lời cho câu hỏi: Ai (cái gì, con gì) ? Bộ phận thứ hai là vị ngữ trả lời câu hỏi: Là gì (là ai, là con gì) ? (SGK TV4 tập 2 trang 57)

- Chủ ngữ thường do danh từ hoặc cụm danh từ tạo thành. (SGK TV4 tập 2 trang 69)

- Vị ngữ thường nối với chủ ngữ bằng từ “là”. Vị ngữ thường do danh từ hoặc cụm danh từ tạo thành. (SGK TV4 tập 2 trang 62)

Như vậy, ở Tiểu học, để phù hợp nhận thức của HS, chương trình Tiếng Việt chỉ giới thiệu với các em kiểu câu kể có kết cấu danh từ - là - danh từ như mục 2.1 nói trên mà chưa giới thiệu hai kiểu câu có kết cấu động từ (tính từ) – là – danh từ và kết cấu động từ (tính từ) – là - động từ (tính từ) như mục 2.3 và 2.3 trên đây. Sách giáo khoa Tiếng Việt chỉ đưa ra những câu kể Ai là gì ? có tính chất thông dụng . VD:

- Bạn Vân Anh là HS lớp 2A.

- Em là cháu bác Tự.

- Quê hương là chùm khế ngọt.

 

B. Câu tả - Câu Ai làm gì ? ; Câu Ai thế nào ?

I. Câu tả

1. Định nghĩa: Câu tả là câu miêu tả hoạt động, trạng thái hay tính chất của chủ thể.

2. Cấu tạo:

2.1. Câu tả có kết cấu danh từ - động từ

Đó là kiểu câu tả có chủ ngữ - vị ngữ tương ứng với danh từ - động từ. Kiểu câu tả danh từ - động từ này cũng có hai tiểu loại là tả hoạt động và tả trạng thái.

2.1.a) Câu tả hoạt động: Câu tả hoạt động của chủ thể có vị ngữ là động từ hoặc cụm động từ chỉ hoạt động. Kiểu câu này lại gồm hai tiểu loại nhỏ nữa là:

- Tả hoạt động có tác động tới đối tượng khác (hướng ngoại). VD:

Chị Dậu đặt cái Tỉu xuống cạnh chồng.     hay

Chị Dậu nhìn ông cai bằng đôi mắt nảy lửa. (Ngô Tất Tố)  hay

Toàn vẫn đuổi riết thằng địch. (Nguyễn Đình Thi)

- Tả hoạt động không tác động tới đối tượng khác (hướng nội). VD:

Lửa cũng suy nghĩ. Nó thấp ngọn xuống. (Nguyên Ngọc)

 

 

2.1.b) Câu tả trạng thái: Câu tả trạng thái của chủ thể có vị ngữ là động từ hoặc cụm động từ chỉ trạng thái. Có nhiều tiểu loại:

- Trạng thái vật lí: VD: Ở giữa biển rộng, cò đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn.

- Trạng thái tâm lí: VD: Nghe tiếng chân tôi bước thình thịch, anh tôi hoảng hốt, luống cuống cả càng lẫn râu… (Tô Hoài)

- Trạng thái sinh lí: VD: Một lúc sau, anh tôi mới dần dần tỉnh. (Tô Hoài)

- Trạng thái biến hoá: VD: Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. (Tô Hoài)

- Trạng thái tồn tại: VD: Trong nhà đang có khách.

- Trạng thái tiếp thụ: VD: Nó được nhận phần thưởng của nhà trường.

…………………………………………………………………………………..

2.2. Câu tả có kết cấu danh từ - tính từ

Đó là kiểu câu tả có chủ ngữ - vị ngữ tương ứng với danh từ - tính từ. Kiểu câu tả danh từ - tính từ có hai tiểu loại là miêu tả tính chất không có xác định mức độ và miêu tả tính chất có xác định mức độ.

2.2.a) Câu miêu tả tính chất không có xác định mức độ: Tính từ ở vị ngữ không đi kèm với các từ rất, hơi, quá, lắm, … hoặc vị ngữ không chứa các từ ghép, từ láy miêu tả đặc điểm ở mức độ cao hoặc thấp. VD:

- Nhà tôi nghèo.

- Mái tóc cô đen.

2.2.b) Câu miêu tả tính chất có xác định mức độ: Tính từ ở vị ngữ đi kèm với các từ rất, hơi, quá, lắm, … hoặc vị ngữ chứa các từ ghép, từ láy miêu tả đặc điểm ở mức độ cao hoặc thấp. VD:

- Nhà tôi rất nghèo.

- Mái tóc cô đen óng.

- Đôi mắt đen lay láy thỉnh thoảng lại chớp chớp rồi nhìn lên.

Ngoài ra, câu tả danh từ - tính từ còn được chia thành hai kiểu là:

+ Miêu tả tính chất mà không có só sánh: VD: Đảng ta vĩ đại thật. (Hồ Chí Minh)

+ Miêu tả tính chất có sự so sánh. VD:

Cổ tay em trắng như ngà

Đôi mắt em liếc như là dao cau. (Ca dao)

+ Miêu tả đặc điểm, tính chất có hạn định. VD: Đường ta rộng thênh thang tám thước. (Tố Hữu)

2.3. Câu tả có kết cấu động từ - tính từ hoặc tính từ - tính từ.

 

 

II. Câu Ai làm gì ?

1. Định nghĩa:

SGK TV4 không dạy HS về định nghĩa câu Ai làm gì ? mà chỉ giới thiệu với HS về cấu tạo câu và ý nghĩa các bộ phận chính của câu. Tuy nhiên, theo tài liệu Hỏi đáp về dạy học TV4 (GS Nguyễn Minh Thuyết chủ biên – trang 154)), câu Ai làm gì ? được định nghĩa : Câu kể Ai làm gì ? được dùng để kể về hoạt động của người, động vật hoặc tĩnh vật được nhân hoá.

2. Cấu tạo: Câu kể Ai làm gì thường gồm hai bộ phận:

- Bộ phận thứ nhất là chủ ngữ, trả lời cho câu hỏi: Ai ? (con gì, cái gì)

- Bộ phận thứ hai là vị ngữ, trả lời cho câu hỏi: Làm gì ? (TV4 tập 1 trang 166)

Như vậy câu Ai làm gì ? chính là câu tả cấu trúc danh từ - động từ (chỉ hoạt động) như trình bày ở mục 2.1.a trên đây.

Như vậy , đối chiếu với mục BI trên, câu Ai làm gì chính là câu tả hoạt động của chủ thể và có kết cấu danh từ - động từ (chỉ hoạt động).

* Lưu ý: Trong quá trình dạy học, chúng ta cần nhắc HS:

- Câu Ai làm gì ? bao giờ cũng kể về hoạt động của người hoặc động vật.

- Vị ngữ của câu Ai làm gì ? bao giờ cũng do động từ chỉ hoạt động đảm nhiệm và thường có ý hướng ngoại và có đối tượng tác động.

 

- Khi đặt câu Ai làm gì ? không nên dùng từ "đang" để cho câu văn hay hơn. VD: Người lớn đánh trâu ra cày. Các cụ già nhặt cỏ, đốt lá. Mấy chú bé bắc bếp thổi cơm.Các bà mẹ tra ngô... (Tô Hoài)

 

 

III. Câu Ai thế nào ?

1. Định nghĩa: Câu Ai thế nào ? là câu miêu tả đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật. (Hỏi đáp về dạy học TV4 - NGuyễn Minh Thuyết)

2. Cấu tạo: Theo SGK TV4 thì câu Ai thế nào ? gồm hai bộ phận:

- Chủ ngữ: Thường do danh từ hoặc cụm danh từ tạo thành.

- Vị ngữ : Thường do động từ, tính từ hoặc cụm động từ, cụm tính từ tạo thành.

Đây là cách nói cho phù hợp với nhận thức của HS Tiểu học. Thực ra, chủ ngữ trong câu Ai thế nào vẫn có thể do động từ hoặc tính từ tạo thành. VD: Nói rất dễ. Làm mới khó.

Đối chiếu với phân tích ở mục BI, ta thấy câu Ai thế nào ? chính là những kiểu câu tả có kết cấu:

+ Danh từ - động từ (chỉ trạng thái)

+ Danh từ - tính từ

+ Động từ (tính từ) - tính từ

Và, về mặt cấu tạo, câu Ai thế nào ? có nhiều kiểu kết cấu hơn hai kiểu câu kia. Trong thực tế sử dụng, câu Ai thế nào ? cũng được dùng nhiều hơn để miêu tả đặc điểm, tính chất hay trạng thái của sự vật, hiện tượng thường gặp trong cuộc sống.

Như vậy, qua phân tích trên, ta thấy, các nhà biên soạn SGK chia câu kể thành ba kiểu câu kể trong phân môn Luyện từ và câu ở Tiểu học là căn cứ vào cách chia các kiểu câu của các nhà nghiên cứu. Có lẽ chính vì thế mà chỉ có duy nhất SGK Tiếng Việt Tiểu học mới có các kiểu câu Ai là gì ? Ai làm gì ? và Ai thế nào ? Đây là sự sáng tạo trong quá trình biên soạn sách để HS được học theo quan điểm trọng thực hành hơn lí thuyết của các tác giả SGK.

 

C. Cách dạy các bài về ba kiểu câu kể ở lớp 4

I. Phân phối chương trình

Lớp 2: Câu Ai là gì ? được dạy ở các tuần 3, 5; 6. Câu Ai làm gì ? được dạy ở tuần 14 ;  Còn câu Ai thế nào ? được dành liền 3 tuần 15, 16, 17.

Lớp 3: Câu Ai là gì ? được dạy ở các tuần 2, 4. Câu Ai làm gì ? được dạy ở các tuần 8, 11. Câu Ai thế nào ? được dạy ở các tuần 14, 17.

Lớp 4: Bài Câu kể được dạy ở tuần 16. Các bài về câu Ai làm gì ? được dạy ở các tuần 17,19, 20. Các bài về câu Ai thế nào được dạy trong các tuần 21, 22. Các bài về câu Ai là gì ? được dạy trong các tuần 24, 25, 26.

Cũng như các kiến thức khác, kiến thức về câu kể được sắp xếp theo hướng đồng tâm. Ở lớp Hai giới thiệu câu ở mức độ đơn giản. Lên lớp Ba HS ôn lại bằng cách đặt câu hỏi cho từng bộ phận trong câu. Lên lớp Bốn HS được học về định nghĩa, cấu tạo và ý nghĩa của từng bộ phận cho mỗi kiểu câu kể. Trong một tiết LTVC lớp 2,3 , bài tập về kiểu câu kể này chỉ là một trong số nhiều bài tập khác. Đọc các bài tập đầu tiên về câu kể của lớp 2 ta thấy các bài tập này xuất phát từ yêu cầu giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong thực tế mà cuộc sống đặt ra. Chẳng hạn, để làm quen kiểu câu Ai là gì ? BT3 LTVC tuần 5 lớp 2 yêu cầu HS viết câu để giới thiệu tên em, lớp em, trường em; để làm quen kiểu câu Ai thế nào ? BT3 LTVC lớp 2 tuần 15 yêu cầu HS chọn từ chỉ đặc điểm để đặt câu nói về sự vật. VD: Con voi khỏe. Lên lớp 4, HS không chỉ được học về ý nghĩa, cấu tạo của ba kiểu câu kể này mà còn thông qua ba kiểu câu kể này để học về thành phần cấu tạo của câu đơn tiếng Việt. Thông qua một loạt các bài về mỗi kiểu câu kể mà HS biết và phân tích được nòng cốt (hai bộ phận chính CN - VN) của câu.

II. Cách dạy các bài về câu kể ở lớp 4.

1. Nhận xét về trình bày của sách giáo khoa

    Tất cả các bài dạy lí thuyết trong phân môn LTVC lớp 4,5 đều trình bày theo thứ tự : Nhận xét - Ghi nhớ - Luyện tập. Các bài về câu kể ở lớp 4 không là một ngoại lệ.

    Điều đáng nói ở đây là ngữ liệu (câu văn, đoạn văn) được chọn để đọc trong phần Nhận xét ở một số bài không hợp lí. Chẳng hạn:

- Bài tập 3 phần Nhận xét bài Câu kể - TV4 tuần 16 có yêu cầu như sau: Ba câu sau đây cũng là câu kể, theo em, chúng được dùng để làm gì ?

 Bác – ba – ra uống rượu đã say. Vừa hơ bộ râu, lão vừa nói:

- Bắt được thàng người gỗ, ta sẽ tống nó vào cái lò sưởi này.

Đã từng dạy học, ai cũng thấy ngay việc xác định đoạn văn đó gồm ba câu là    quá sức đối với HS lớp 4. Câu văn thứ nhất Bác – ba – ra uống rượu đã say. Thì đương nhiên. Nhưng Vừa hơ bộ râu, lão vừa nói:

- Bắt được thàng người gỗ, ta sẽ tống nó vào cái lò sưởi này.

Là hai câu văn lại là cả một vấn đề.

- Bài tập 1 phần Luyện tập bài Câu kể Ai làm gì ? TV4 tuần 17 yêu cầu HS tìm câu kể Ai làm gì trong một đoạn văn mà đoạn văn đó lại có câu “ Chị tôi đan nón lá cọ, lại biết đan cả mành cọ và làn cọ xuất khẩu.” Ta thấy, làm sao HS xác định nổi câu này thuộc kiểu câu kể nào trong ba kiểu câu kể. Nếu coi câu văn này có hai vị ngữ thì VN1 trả lời câu hỏi Làm gì ? VN2 trả lời câu hỏi Như thế nào ? Nếu coi câu văn này là câu ghép (ẩn chủ ngữ 2) thì vẫn vậy: VN1 trả lời câu hỏi Làm gì ? VN2 trả lời câu hỏi Như thế nào ? Như thế thì câu văn này xếp vào mẫu câu Ai làm gì ? cũng không ổn mà xếp vào mẫu câu Ai thế nào ? cũng không thỏa đáng.

- Bài tập 1 phần Nhận xét bài Vị ngữ trong câu kể Ai làm gì ? TV4 tuần 17 yêu cầu HS tìm câu kể Ai làm gì trong đoạn văn “Hàng trăm con voi đang tiến về bãi. Người các buôn làng kéo về nườm nượp. Mấy anh thanh niên khua chiêng rộn ràng. Các bà đeo những vòng bạc, vòng vàng. Các chị mặc những chiếc váy thêu rực rỡ. Hôm nay, Tây Nguyên thật tưng bừng.” Rất nhiều GV cho rằng “Các bà đeo những vòng bạc, vòng vàng. Các chị mặc những chiếc váy thêu rực rỡ.” là câu kể Ai làm gì ? Khi hướng dẫn HS làm bài tập này, GV phải mất thời gian để giải thích vì sao hai câu đó không phải câu Ai làm gì ? Thiết nghĩ, việc đó nên để vào luyện tập.

2. Đường lối chung khi dạy các bài về các kiểu câu kể ở lớp 4

HĐ 1:  Hướng dẫn HS thực hiện từng yêu cầu của phần Nhận xét:

+ Đọc đoạn văn (có chứa câu văn thuộc kiểu câu cần tìm hiểu).

+ Xác định các câu thuộc mẫu câu cần tìm hiểu.

+ Xác định các bộ phận của câu.

+ Nhận xét về ý nghĩa, cấu tạo của từng bộ phận.

HĐ 2: Hướng dẫn  HS rút ra kiến thức cần nhớ:

+ HS vừa nhận xét, đối chiếu với kiến thức cũ để lần lượt rút ra từng kết luận.

+ Tổng hợp các kết luận trên thành "Ghi nhớ"

HĐ 3: Hướng dẫn HS luyện tập: thường có hai kiểu bài tập:

- Bài tập nhận diện:

+ Tìm ra kiểu câu kể vừa học trong một đoạn văn.

+ Xác định hai bộ phận chính của câu (chủ ngữ, vị ngữ).

- Bài tập vận dụng:

+ Đặt câu theo mẫu câu kể vừa học.

+ Viết đoạn văn có chứa kiểu câu vừa học.

3. Cách dạy bài Vị ngữ trong câu kể Ai thế nào ?

Vì khuôn khổ của bài báo, chúng ta không thể xét đến từng bài được nên tôi xin phép các thầy cô cùng trao đổi về cách dạy bài học này. Thực tế cho thấy đây là bài bài dạy khó nhất trong số các bài về các kiểu câu kể ở lớp 4 . Tuy nhiên, bài báo này cũng chỉ cho phép tôi nói được cách dạy phần Bài mới của tiết học.

Mục tiêu bài học:

- HS nắm được: Vị ngữ trong câu Ai thế nào ? có:

+ Ý nghĩa là nêu đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật.

+ Cấu tạo là tính từ hoặc động từ (hoặc gồm cụm tính từ hay cụm động từ).

- Đặt được câu kể Ai thế nào ?

Chuẩn bị

  • Bảng phụ chép đoạn văn phần nhận xét.
  • Phiếu học tập cho yêu cầu 2 phần nhận xét.
  • Bảng phụ kẻ bảng phân tích cấu tạo câu, cấu tạo của vị ngữ trong các câu Ai thế nào ? của phần Nhận xét.
  • Bảng phụ chép đoạn văn ở bài 1 phần luyện tập.

Các hoạt động dạy học

HĐ 1: Hướng dẫn HS nhận xét:

- GV treo bảng phụ có đoạn văn “Về đêm, cảnh vật … của vùng này”.

- Gọi HS đọc

- Nêu yêu cầu 2: Tìm các câu Ai thế nào ? trong đoạn văn.

- HS phát biểu ý kiến, GV chốt: Đó là các câu 1,2,4,6,7

- Nêu yêu cầu 3: Xác định chủ ngữ, vị ngữ của các câu trên.

- Chia nhóm và phát phiếu học tập cho HS làm việc, phát phiếu to cho 1 nhóm.

- GV treo phiếu to để chữa bài, gạch chân vị ngữ của câu bằng phấn màu.

- Nêu yêu cầu 4: Vị ngữ trong các câu trên biểu thị nội dung gì ? Chúng do những từ ngữ như thế nào tạo thành ?

- Cho HS thảo luận nhóm 4 trong vài phút.

- GV treo bảng phụ phân tích cấu tạo câu và đàm thoại với HS để hoàn thành bảng sau:

 

 

 

STT

Câu

Vị ngữ

Nội dung biểu thị

Các từ ngữ chính trong VN

Vị ngữ là:

1

Về đêm, cảnh vật thật im lìm.

thật im lìm.

Tả đặc điểm

im lìm

Cụm tính từ

2

Sông thôi vỗ sóng dồn dập như hồi chiều.

thôi vỗ sóng dồn dập như hồi chiều.

Tả trạng thái

thôi vỗ sóng

Cụm động từ

3

Ông Ba trầm ngâm.

trầm ngâm.

Tả tính cách

trầm ngâm

Tính từ

4

Trái lại, ông Sáu rất sôi nổi.

rất sôi nổi.

Tả tính cách

sôi nổi

Cụm tính từ

5

Ông hệt như Thần Thổ Địa của vùng này.

hệt như Thần Thổ Địa của vùng này.

Tả đặc điểm

hệt như Thần Thổ Địa

Cụm tính từ

 

HĐ 2: Hướng dẫn HS rút ra ghi nhớ:

? Qua các bài tập trên, ta thấy vị ngữ trong câu kể Ai thế nào ? thường biểu thị nội dung gì ? ( nêu đặc điểm, tính chất hoặc trạng thái của sự vật.)

? Vị ngữ trong câu Ai thế nào ? thường do những từ ngữ như thế nào tạo thành ? (Do tính từ, động từ hoặc cụm tính từ, cụm động từ tạo thành.)

 HS nhắc lại, GV chép lên bảng đóng khung lại thành ghi nhớ.

     Qua thực tế dự giờ GV, tôi thấy nhiều GV không thành công khi dạy bài học này. Lí do cơ bản là việc phân tích cấu tạo câu, phân tích ý nghĩa và cấu tạo của vị ngữ là quá khó đối với HS. Để bài học này thành công, ta nên dễ hóa các yêu cầu của bài tập như trên đây và trong khi HS làm bài, ta phải trợ giúp các em thật tích cực thì các em mới thực hiện được yêu cầu đặt ra.

      Trên đây là phần trình bày cơ bản của chuyên đề dạy các kiểu câu kể ở lớp 4 mà tôi đã nghiên cứu. Rất mong được trao đổi nhiều hơn với các thầy cô giáo và bạn đọc. Nhân đây cũng xin mạn phép nhắc các thầy cô lưu ý :

  • Không phải câu kể nào cũng thuộc về ba kiểu câu kể dạy ở Tiểu học. Do vậy khi ra đề thi ta đừng đố các em xác định những câu không thuộc ba mẫu câu đó.
  • Khi xác định câu đó thuộc mẫu câu nào, ta căn cứ vào ý nghĩa và cấu tạo của vị ngữ:

+ CN nối với VN bằng từ “là”, lại thêm VN do cụm danh từ tạo thành thì đó là câu Ai là gì ? và ta khẳng định ngay. VD: Chim công là nghệ sĩ múa của rừng xanh.

+ Vị ngữ là động từ chỉ hoạt động, chủ ngữ chỉ động vật, ta khẳng định câu đó là câu Ai làm gì ? VD: Con họa mi hót lên một hồi dài.

+ Vị ngữ là động từ chỉ trạng thái, đích thị câu đó không thể thuộc mẫu Ai làm gì được. VD: Các bà đeo những vòng bạc, vòng vàng. (“đeo” là ĐT chỉ trạng thái.)

Hay: Quốc Toản ngồi trên mình con ngựa trắng phau, mình mặc áo bào đỏ, vai khoác cung tên, lưng đeo gươm báu. (Các động từ ngồi, mặc, khoác, đeo đều chỉ trạng thái.)

  Có lẽ phần trình bày trên đây chưa thể thỏa mãn nhưng băn khoăn của bạn đọc vì dạy học tiếng Việt của chúng ta đòi hỏi một sự nghiên cứu công phu. Tôi chỉ mong phần nào tháo gỡ khó khăn trong quá trình dạy học tiếng Việt nói chung và dạy các bài về câu kể ở  lớp 4 nói riêng. Xin chân thành cảm ơn Tạp chí TGTT yêu quý đã đăng tải cho tôi bài viết này. Chúc tất cả chúng ta thành công và ngày càng yêu tiếng Việt.

                              Phúc Thành , ngày 3 tháng 4 năm 2024

                                        Nguyễn Thị Thúy

 

 

 

 

 

 

 

 

 


BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bác Hồ - Vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới; Người đã đi xa nhưng vẫn để lại cho chúng ta một di sản tinh thần ... Cập nhật lúc : 8 giờ 48 phút - Ngày 22 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Tháng 4, còn là tháng ghi lại dấu ấn một ngày lịch sử trọng đại, ngày lễ lớn của dân tộc - ngày đoàn tụ, Bắc - Nam sum họp, non sông thu về một mối. Với mỗi người dân Việt Nam, 30/4/1975 là ... Cập nhật lúc : 8 giờ 47 phút - Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Thực hiện sự hướng dẫn của Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Kim Thành về việc tổ chức kỳ thi vòng cấp Quốc Gia Violympic Tiếng Việt,Toán năm học 2023-2024. Ngày 12 tháng 4 năm 2024, trường Ti ... Cập nhật lúc : 7 giờ 12 phút - Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Hình thành niềm yêu thích và thói quen đọc sách sẽ tạo nền tảng vững chắc cho em không những học tốt môn Tiếng Việt mà còn giúp các em học tốt các môn học khác. ... Cập nhật lúc : 10 giờ 16 phút - Ngày 15 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo bộ môn Mĩ thuật là một trong những hoạt động có ý nghĩa và là sân chơi bổ ích cho các em. Qua đây nhằm giúp các em học sinh hình thành và phát triển phẩm chất, ... Cập nhật lúc : 14 giờ 46 phút - Ngày 12 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Tết Nguyên Đán là dịp quan trọng nhất trong năm, là một biểu tượng văn hóa vô cùng ý nghĩa của người Việt. Mỗi năm cứ dịp tết đến xuân về, người ta lại hay dùng giấy đỏ mực tàu để viết chữ t ... Cập nhật lúc : 14 giờ 27 phút - Ngày 12 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Mục tiêu của giáo dục 2018 trong các môn học nói chung và môn Khoa học nói riêng nhằm trang bị cho HS những kỹ năng, năng lực cần thiết. Chương trình được xây dựng trên tinh thần“Mang cuộc s ... Cập nhật lúc : 15 giờ 10 phút - Ngày 9 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Chương trình Toán lớp 4 hướng dẫn học sinh các nội dung về phân số (khái niệm, đọc viết, so sánh, thực hành tính và vận dụng giải toán). Đây là một nội dung học sinh lớp 4 thường gặp khó khă ... Cập nhật lúc : 10 giờ 25 phút - Ngày 8 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam chia câu theo mục đích nói thành các kiểu câu là câu trần thuật, câu nghi vấn, câu cảm thán, câu cầu khiến. Vì là chia theo mục đích nói nên mỗi câu được dùng v ... Cập nhật lúc : 14 giờ 15 phút - Ngày 5 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
Trong chương trình Luyện từ và câu Tiếng Việt 4 (LTVC TV4), có thể nói những bài về câu kể là rất khó dạy. Từ lâu, tôi đã để tâm nghiên cứu tìm cách gỡ khó cho các bài dạy này và có mong muố ... Cập nhật lúc : 14 giờ 13 phút - Ngày 5 tháng 4 năm 2024
Xem chi tiết
1234567891011121314151617181920...
DANH MỤC
ĐỀ THI, CHUYÊN ĐỀ
Thông tư 59 -trường Chuẩn quốc gia
Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá HS tiểu học
Đề KTĐK cuối kì I môn Toán lớp 1 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Tiếng Việt lớp 4 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Toán lớp 4 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Lịch sử và Địa lí lớp 5 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Khoa học lớp 5 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Lịch sử và Địa lí lớp 4 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Khoa học lớp 4 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Tin học lớp 5 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Tin học lớp 4 năm học 2011 - 2012
Đề KTĐK cuối kì I môn Tin học lớp 3 năm học 2011 - 2012
Thông tư 41: ban hành điều lệ trường tiểu học
Số: 26/2011/TTLT-BGDĐT-BKHCN-BYT Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học. THCS...
Thông tư quy định đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học
12345
VĂN BẢN CỦA NHÀ TRƯỜNG
CÔNG KHAI ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, GIÁO VIÊN CỦA TRƯỜNG NĂM HỌC 2023- 2024
CÔNG KHAI THÔNG TIN CƠ SỞ VẬT CHẤT CỦA TRƯỜNG NĂM HỌC 2023- 2024
THÔNG TIN VỀ CHẤT LƯỢNG THỰC TẾ NĂM HỌC 2022- 2023
CAM KẾT CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC CỦA TRƯỜNG TIỂU HỌC NĂM HỌC 2023- 2024
THÔNG BÁO CÔNG KHAI KẾ HOẠCH Tiếp nhận, quản lí và sử dụng nguồn tài trợ ( máy tính, điều hòa) Năm học 2022-2023
Thông báo điều chỉnh thời gian
Kế hoạch thi tuyển viên chức năm 2021
THÔNG BÁO Cam kết chất lượng giáo dục của trường tiểu học, năm học 2021 - 2022
TTHÔNG BÁO Công khai thông tin chất lượng giáo dục tiểu học thực tế, năm học 2020 -2021
THÔNG BÁO Công khai thông tin cơ sở vật chất của trường tiểu học, năm học 2021-2022
TTHÔNG BÁO Công khai kết quả nhận tài trợ và tình hình mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạtđộng dạy học từ nguồn kinh phí tài trợ Năm học 2020 – 2021
THÔNG BÁO Công khai thông tin về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên Năm học 2021 - 2022
CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NHÀ TRƯỜNG GIAI ĐOẠN 2020 - 2025 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Chương trình giảm tải học kì 2 của BGD các môn
Kế hoạch dạy học trên mạng Internet các lớp
123456