BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
KĨ NĂNG PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
(PHÒNG TRÁNH VẬT SẮC, NHỌN ĐÂM)
Tai nạn thương tích (TNTT) là những thương tổn thực thể trên cơ thể người do tác động của những năng lượng ( bao gồm: cơ học, nhiệt, điện, hóa học, phóng xạ…) với mức độ, tốc độ khác nhau, quá sức chịu đựng của cơ thể người. Ngoài ra, tai nạn thương tích còn là những thiếu hụt các yếu tố cần thiết cho sự sống như thiếu ôxy trong trường hợp đuối nước, bóp nghẹt, giảm nhiệt độ trong môi trường cóng lạnh. Cũng có thể hiểu TNTT là những sự việc xảy ra bất ngờ, gây tổn thương đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho người bị nạn, trường hợp nặng có thể tử vong. Tổn thương sức khỏe thể chất như: chấn thương phần mềm cơ thể, gãy, vỡ xương, tàn tật suốt đời… Tổn thương về sức khỏe tinh thần như: lo lắng, sợ hãi, hoảng loạn…
Trẻ em rất dễ bị TNTT. Bởi vì ở lứa tuổi này, trẻ thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị TNTT.
Ở Việt Nam, trẻ em là lực lượng đông đảo, chiếm tỉ lệ khá cao ( 40% dân số dưới 18 tuổi). Đây là lực lượng đang trong giai đoạn phát triển về thể chất, tâm sinh lý và nhân cách. Đây là giai đoạn đang hình thành các kỹ năng cần thiết của cả cuộc đời. Trong thời gian này đại bộ phần trẻ em đều được đến trường, mà trong trường học cũng có thể xảy ra những tai nạn, thương tích do các vật sắc nhọn gây nên nếu chúng ta không biết cách phòng tránh.
1. Nguyên nhân gây tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn:
Các chấn thương do những vật sắc nhọn có thể xảy ra ở lứa tuổi trẻ em mới lớn đang làm việc, trẻ em nhỏ tuổi hơn lúc chơi đùa... với các mức độ khác nhau từ nhẹ, vừa cho đến nghiêm trọng. Nếu ở mức độ nghiêm trọng, trẻ em có thể bị tàn tật vĩnh viễn hoặc tử vong.
Các vật được gọi là sắc nhọn khi chúng có ít nhất một đầu, một góc, một cạnh hay một diện nhỏ, nhọn, sắc, không bằng phẳng... có thể làm rách, cắt, cứa đứt hay đâm thủng da, cơ, thậm chí cả xương, khớp của cơ thể. Các vật sắc nhọn này được tạo ra với nhiều chất liệu khác nhau như mảnh thủy tinh, mảnh sành sứ, dao, kéo, kim băng, cưa, dùi, đục, cành cây, hàng rào...
Tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn gây nên có thể do trẻ tự gây ra như trèo lên cây bị ngã vào hàng rào, lấy dao cứa vào tay khi nghịch... hoặc do người khác, trẻ em khác gây ra một cách vô tình khi chơi đùa hay cố ý khi đánh nhau.
Có thể gặp thương tích so vật sắc nhọn trong các trường hợp sau:
- Trẻ vô tình giẫm, chạm phải các vật sắc nhọn ( như đinh, mảnh thủy tinh, mảnh sành, kéo, dao…).
- Chơi các đồ chơi sắc nhọn.
- Các vật sắc, nhọn,ở gia đình, ở nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường học để trong tầm với của trẻ.
- Trẻ gọt bút chì, gọt hoa quả, làm đồ thủ công bằng dao, kéo sắc, nhọn.
- Do người lớn sơ suất để trẻ đụng vào các vật liệu nổ như bom mìn.
2. Cách phát hiện
Thương tích do vật sắc nhọn gây ra thường là vết thương phần mềm, không kèm theo hiện tượng gãy xương. Vết thương nhẹ có thể chỉ đứt tay, chân, chảy máu; nặng có thể gây thủng các cơ quan nội tạng như tim, phổi, gan, lách, ruột… Nếu không kịp thời xử trí tại vết thương sẽ bị nhiễm trùng, bị uốn ván, có thêt dẫn đến tử vong.
3. Cách xử trí khi bị vật sắc nhọn đâm
- Trước hết, người sơ cứu nạn nhân phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng.
- Rửa vết thường của nạn nhân bằng nước sạch, tốt nhất là nước đun sôi để nguội có pha xà phòng.
- Cần rửa sạch các thứ bẩn ở trong vết thương.
- Không rắc các loại thuốc bột, thuốc mỡ hoặc các loại lá lên vết thương.
- Đối với trẻ bị thương nhẹ, sau khi sơ cứu có thể đưa đến cơ sở y tế để xử trí vết thương và tiêm phòng uốn ván.
- Đối với trẻ bị thương nặng, chảy máu nhiều… khẩn trương đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiến hành cấp cứu, nếu chậm sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
* Các bước xử lí
+ B1: không nên cố lấy ra khi vật cắm sâu vào da thịt trẻ. Vì khi cố dứt hay cố lấy không đúng cách sẽ làm vết thương sẽ đau hơn, các vật sắc nhọn đó cắm sâu vào da thịt của trẻ hơn.
+B2: Rửa vết thương bằng oxy già hoặc nước muối sạch, rửa thật sạch và sát trùng vết thương của trẻ để tránh nhiễm trùng hay sưng tấy.
+B3: Băng bó vết thương để cầm máu. Sau khi rửa sạch vết thương xong cần băng bó vết thương của trẻ vào để cầm máu, tránh tình trạng để máu chảy ra quá nhiều.
+B4: Đưa trẻ đến trạm y tế nơi gần nhất để lấy vật sắc nhọn ra khỏi cơ thể của trẻ.
- Cách phòng tránh
- Không cho trẻ sử dụng các đồ chơi sắc nhọn có thể gây tai nạn cho trẻ khi chơi.
- Không cho trẻ nhỏ sử dụng dao kéo để gọt hoa quả, cắt giấy, vải… để tránh đứt tay hoặc vô tình đâm, chạm phải người khác.
- Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp trẻ dùng các vật sắc nhọn, có thể dẫn đến thương tích.
- Các loại dao, kéo, liềm. hái… phải để xa tầm với của trẻ nhỏ.
- Thường xuyên quét dọn nhà cửa, lớp học, sân trường, thu gom rác. Không để vương vãi các vật sắc nhọn ở nền nhà, lớp học, sân, vườn.
Để chủ động phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em do các vật sắc nhọn, cần chỉ bảo cho trẻ thấy được sự nguy hiểm nếu bị các vật sắc nhọn đâm hay cứa sẽ dẫn đến sự đau đớn, chảy máu, cụt tay... khi sử dụng hoặc chơi đùa bằng các đồ vật sắc nhọn; dạy bảo trẻ không chơi các trò chơi nguy hiểm như trèo cây, đấu kiếm...; hướng dẫn trẻ cách cắt gọt hoa quả, thái cắt thịt, khâu vá an toàn... Ngoài ra cũng cần khuyên bảo, răn đe và giúp trẻ tiên lượng trước những nguy cơ có thể dẫn đến tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn và những hậu quả của nó để lại..
Chú ý việc xây dựng một môi trường an toàn ở chung quanh trẻ như để trên cao, an toàn hoặc có giá treo ngoài tầm tay với của trẻ tất cả những vật sắc nhọn có thể gây nguy hiểm gồm dao, kéo, dùi, đục, kim băng, đinh, các loại vũ khí súng, kiếm...; bao bọc các đầu mút sắc nhọn của các đồ vật, dụng cụ ở trong nhà; dựng hàng rào ngăn cách trẻ tới các chỗ nguy hiểm,…
Cần phải tổ chức và kiểm soát các hoạt động vui chơi của trẻ để bảo đảm sự lành mạnh, an toàn. Phụ huynh, giáo viên, người giám sát trẻ cần trang bị những kiến thức cần thiết, tối thiểu về cách sơ cứu ngay tại chỗ khi bị tai nạn thương tích do các vật sắc nhọn.
Phúc Thành , ngày 12 tháng 12 năm 2024
NGƯỜI BÁO CÁO
Nguyễn Thị Thúy